Thời chưa mở cửa, ở ta làm gì có nghề này! Nay, do những nhu cầu của nền kinh tế thị trường mới xuất hiện loại hình kinh doanh 'đặc chủng' này đấy chứ...” - Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc PDS, một công ty tư nhân về dịch vụ bảo vệ có trụ sở đóng tại Gia Lâm thủng thẳng “mào đầu” với tôi như vậy khi được hỏi về “lịch sử ngành” của nghề bảo vệ ở Việt Nam.
Theo ông Hà, nghề bảo vệ xuất hiện ở nước ta từ khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Đi tiên phong là một doanh nghiệp có cái tên khá dài: Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Sepre 24. Vừa mới ra mắt, nó đã nổi đình nổi đám bởi hợp đồng bảo vệ ca sĩ nổi tiếng người Hồng Công Lê Minh khi anh sang Việt Nam biểu diễn. Để “đánh lừa” các fans có thể gây phiền toái cho thân chủ, họ đã sử dụng chiêu “hình nhân thế mạng”, cụ thể là cho người đóng giả Lê Minh để giao lưu với đám đông người hâm mộ. Còn Lê Minh thật thì được bí mật đưa ra xe chuồn thẳng về khách sạn...
Ông Hà cũng cho biết, hiện nay, có lẽ thấy rõ tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ này, rất nhiều “đại gia” đã đầu tư vào các công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ. Bằng chứng là cả nước hiện nay đã có gần 80 doanh nghiệp với hàng chục ngàn nhân viên đang hoạt động tại các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và cả cá nhân có nhu cầu cần bảo vệ.
Ngoài các tên tuổi lớn như Long Hải, Thăng Long, YUKI 24/24, Long H, SCD, Hoàng Gia... đã gây dựng nên “cơ đồ” khá vững chắc với thị phần ngày càng được mở rộng, rất nhiều công ty vừa vừa hoặc nhỏ đã và đang xuất hiện ồ ạt ở cả các thành phố lớn lẫn các tỉnh như Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình... Phạm vi kinh doanh của họ khá đa dạng, từ bảo vệ trụ sở, văn phòng, siêu thị, cửa hàng, khách sạn, vũ trường, quán bar, tháp tùng yếu nhân, giữ trật tự cho các liveshow ca nhạc, áp tải các chuyến hàng có giá trị lớn trên đường vận chuyển cho đến bảo vệ nhà riêng, canh giữ người cai nghiện... Có thể nói, dịch vụ kinh doanh nghề bảo vệ đang “trăm hoa đua nở”, kéo theo đó là “cuộc chiến” cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp để giành thị phần...
Nghề nguy hiểm...
“Chẳng cần nói nhiều thì bản thân hai từ “bảo vệ” đã cho thấy tính chất nguy hiểm của nghề nghiệp bọn tôi rồi! Bởi không nguy hiểm thì thân chủ mắc mớ gì phải thuê mình bảo vệ cơ chứ?” – Ông T, giám đốc một công ty bảo vệ trên phố Thái Hà “lý luận” với tôi như vậy. Ông T kể: Cách đây vài năm, trong giới người làm nghề này xôn xao về cái chết của một đồng nghiệp vốn được coi là cao thủ về chuyên môn, nghĩa là anh này cực giỏi võ, đã từng đối đầu với rất nhiều pha gay cấn khi thực thi nhiệm vụ. Lần ấy, anh lãnh trách nhiệm áp tải một lượng tiền rất lớn của một công ty sang thanh toán cho đối tác mãi tận Campuchia. Không rõ có phải do đối thủ cạnh tranh biết trước việc này và “bắn” thông tin đi hay không mà chỉ cách điểm giao hàng mấy chục kilômét, 10 tên cướp bịt mặt xuất hiện, bắn chết cả người của công ty lẫn bảo vệ.
Báo chí cũng từng nhắc đến rất nhiều vụ nhân viên bảo vệ chịu trách nhiệm bảo vệ mục tiêu là các nhà hàng, khách sạn bị bọn xã hội đen tấn công do dám cản đường làm ăn, ngăn chặn hành vi bảo kê của chúng.
Trong một diễn đàn trên mạng Internet, ông Nguyễn Văn Tùng, một cao thủ Vĩnh Xuân quyền (môn phái của Lý Tiểu Long), người được xem là sừng sỏ trong giới nghề, hiện giữ chức Tổng chỉ huy Công ty Yuky Sepre 24 (được tách ra từ Công ty Dịch vụ bảo vệ Việt Nam Thăng Long Sepre 24) cũng tâm sự rằng, “thuở hàn vi” mới vào nghề, nhận nhiệm vụ bảo vệ siêu thị Cora, nhóm bảo vệ do ông đứng đầu đã phải đối mặt với nhiều thủ đoạn mua chuộc, đe dọa lẫn gây chiến của các băng nhóm giang hồ, trộm cắp quanh khu vực.
Dù sao, đó là những vụ, những việc mang tính chất điển hình. Còn trên thực tế, do đặc thù nghề nghiệp, các bảo vệ viên phải hàng ngày, hàng giờ đối diện với rất nhiều những tai nạn nghề nghiệp không thể lường trước được. Chẳng hạn như mới đây, tại Bình Dương, một nhóm côn đồ hàng chục tên đã tấn công các nhân viên bảo vệ khi họ trên đường từ mục tiêu bảo vệ trở về trụ sở. Kết quả: Anh HVM đã bị chúng chém vào giữa mặt, phải đi cấp cứu.
Hay như vụ mới xảy ra ở Long Phú, Sóc Trăng hồi cuối năm 2004, do bị các nhân viên bảo vệ của Công ty S (được các chủ nuôi tôm thuê để chống lại nạn “tôm tặc”) ngăn chặn việc đánh bắt tôm trộm, bọn cướp ngày đã tổ chức dùng mã tấu chém bị thương nhiều bảo vệ...
...Và những góc khuất
Có lẽ không cần bàn thêm về những ích lợi mà nghề bảo vệ mang lại cho xã hội, nhất là trong bối cảnh tình hình trật tự trị an xã hội còn nhiều phức tạp mà biên chế ngành chuyên trách của Nhà nước còn thiếu hụt. Điều đáng nói là những góc khuất còn tồn tại trong các công ty kinh doanh nghề bảo vệ đang làm cho người ta có những ý nghĩ “méo mó” về chính nó.
Hiện nay, hầu hết các trang web hay tờ rơi quảng cáo của các công ty bảo vệ đều “phô” rằng, lực lượng nòng cốt của họ là những võ sư, huấn luyện viên võ thuật danh tiếng, các chuyên gia lành nghề về luật pháp và đặc biệt nhất là những sĩ quan trong ngành an ninh và cảnh sát. Tất cả các “đặc vụ” do họ thực hiện nhằm phục vụ khách hàng đều ít nhiều dính dáng đến võ thuật, trinh thám cứ như trong phim hình sự... Dường như thế mạnh (dù chỉ là quảng cáo) đó của họ đã “hút hàng” rất nhiều người trẻ vốn mang trong mình dòng nhiệt huyết, thích khám phá, ưa phiêu lưu mạo hiểm và đặc biệt là thích trở thành... người hùng (?!).
Tuy nhiên, sự đời không hề đơn giản. Để được đeo “lon” bảo vệ chính thức, thông thường, học viên của các khóa huấn luyện do các công ty chiêu sinh phải mất tiền học phí từ 2 đến 2,5 triệu đồng, thậm chí, 4-5 triệu đồng cho 3-4 tháng học. Đối với các công ty nghiêm túc trong việc làm ăn, coi việc huấn luyện là giai đoạn có ảnh hưởng quyết định đến công việc kinh doanh của mình sau này thì xem ra, số tiền trên cũng không phải là “vấn đề” lắm. Nhưng có một thực tế là hiện nay, không ít doanh nghiệp coi việc huấn luyện là một phần trong hoạt động kinh doanh của mình.
Họ mở các chiến dịch tiếp thị rầm rộ về tận các vùng nông thôn với những lời hứa đảm bảo công ăn việc làm 100%, sau khi “ra trường” sẽ có mức lương cao “ngất ngưởng” ở tổng công ty này, liên doanh kia... Với kiểu làm ăn “chụp giật”, họ cứ tuyển ồ ạt học viên với những tiêu chí hết sức dễ dãi. Đến khi kết thúc khóa học, để giải quyết “đầu ra” như cam kết, họ “bán cái” sang công ty khác hoặc đưa học viên đi “thử việc” ở những nơi hiểm hóc, làm việc không khác gì cửu vạn với mức lương rẻ mạt, sau đó tạo ra nhiều lý do hết sức tinh vi để phạt và... “thanh lý hợp đồng”...
Về mặt lý thuyết, do đặc thù công việc, nghề này đòi hỏi phải tuyển chọn khắt khe, dựa trên các tiêu chuẩn về đạo đức, sức khỏe, trí tuệ, đồng thời có phản ứng nhanh, nhạy cảm và tận tụy với công việc. Ngoài ra, họ còn phải có phong cách ứng xử xã hội sâu rộng và khả năng độc lập tác chiến cao. Thế nhưng, trên thực tế thì sao? Báo chí đã rất nhiều lần lên tiếng về những vụ ẩu đả, thanh toán lẫn nhau mà “tác giả” là chính là các... nhân viên bảo vệ. Rồi những vụ làm trái pháp luật như trấn áp, đánh đập, giam giữ người trái phép mà “chủ tròm” là các bảo vệ viên cũng đã xảy ra.
Với những vụ việc như thế chúng tôi tự hỏi: Liệu các cơ quan quản lý nhà nước đã “để mắt” một cách xứng đáng tới loại ngành nghề còn mới mẻ và rất nhạy cảm này chưa?..
- Thanh niên cướp hơn 3 tỉ đồng của ngân hàng khai cho bạn gái tiền trước khi trốn chạy (28.10.2022)
- triễn khai công ty hum việt nam (28.10.2022)
- triễn khai hệ thống vinfast khu vực phía nam (28.10.2022)
- ngày 01/07/2022 triễn khai trung tâm thương mại ở quận cầu giấy hà nội (02.08.2022)
- ngày 01/07/2022 triển khai nhà máy togo group hà nam (02.08.2022)
- ngày 01/ 06/ 2022 triễn khai hệ thống showroom- nhà kho- nhà máy - xưỡng dịch vụ vinfasr khu vực phí (02.08.2022)
- ngày 20 /07/2022 công ty triễn khai hệ thống kho chuyễn fat nhanh, kho tây nam (02.08.2022)
- Mỹ nữ nóng bỏng 23 tuổi phá lời nguyền (10.12.2021)
- Làm giả hồ sơ, nữ công nhân chiếm đoạt 30 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp (10.12.2021)
- BẢO VỆ YUKI PHỐI HỢP CẢNH SÁT PCCC VÀ CNCH: DIỄN TẬP PHƯƠNG ÁN CHỮA CHÁY, TẠI TÒA NHÀ (04.12.2021)